Dưới đây là những điều cần lưu ý trước khi bạn quyết định ký vào Hợp đồng vay với các công ty tài chính
Tại Việt Nam hiện nay có nhiều công ty tài chính cho vay tiền nhanh, tuy nhiên, bạn nên lựa chọn các công ty có tên tuổi như FEcredit, HD Saison, Home Credit, Prudential Finance… Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều công ty ma, những đối tượng cho vay "nóng" sẵn lòng "dúi tiền vào tay bạn" nhưng sau đó sẽ dùng nhiều thủ đoạn để ép bạn trả mức lãi suất cắt cổ, hoặc đòi nợ kiểu xã hội đen. Vì vậy, hãy thật cảnh giác và lựa chọn các công ty tài chính có tên tuổi, thương hiệu, làm ăn đàng hoàng.
Không ít người lại có nhu cầu mua sắm hàng hiệu, đi xe xịn, dùng smartphone cao cấp… trong khi thu nhập chỉ 5 - 7 triệu/tháng. Trong trường hợp này, sự chênh lệch giữa nhu cầu và khả năng chi trả thực tế khá lớn. Tư vấn viên của một công ty bảo hiểm cho vay tiêu dùng nói: "Mua hàng trả góp là cách mà nhiều khách hàng sử dụng để trang trải chi phí mua sắm. Tuy nhiên, không nhiều người thực sự tính toán kỹ khả năng thanh toán trước khi vay".
Do đó, để tránh cảnh nợ nần chồng chất, các chuyên gia khuyên người tiêu dùng nên kiểm tra kỹ ngân sách, đối chiếu thu nhập mỗi tháng với khoản vay dự tính để cân nhắc khả năng trả nợ. Việc trả nợ chỉ nên chiếm nhiều nhất khoảng 1/3 tổng thu nhập hàng tháng của bạn. Nếu không, bạn rất có thể rơi vào cảnh liên hoàn vay - đi vay nợ mới để trả nợ cũ.
So với các thủ tục khá rắc rối ở ngân hàng, thủ tục vay vốn tại các công ty tài chính thường đơn giản hơn rất nhiều. Do đó, nhiều khách hàng thường chỉ mong vay được tiền càng nhanh càng tốt mà không để tâm các điều khoản cụ thể trong hợp đồng.
Tùy vào độ cẩn thận của khách mà nhân viên công ty tài chính sẽ cân nhắc cung cấp đến đâu các điều khoản trong hợp đồng. Nhiều trường hợp, khách hàng thoạt nghe nhân viên tư vấn lãi suất thì thấy khá có lợi, nhưng sau đó tính toán ra mới biết số tiền thực phải trả lại cao hơn rất nhiều. Có những khách hàng vài ngày sau khi giải ngân xong mới nhận bản hợp đồng chi tiết và tá hỏa vì lãi suất tới hơn 60% một năm.
Theo các chuyên gia tài chính, đơn vị nào chấp nhận rủi ro càng lớn khi đưa ra ít điều kiện thì mức lãi suất tương ứng sẽ càng cao. Để bảo đảm quyền lợi, người đi vay có quyền yêu cầu công ty tài chính đó minh bạch mức lãi suất để thỏa thuận trước khi vay.
Không riêng các công ty tài chính, nhiều ngân hàng cũng tính gộp luôn khoản tiền bảo hiểm vào khoản vay và trừ thẳng trước khi giải ngân cho khách. Đa số khách hàng chỉ biết sau khi nhận được tiền.
Về điểm này, lãnh đạo một ngân hàng phân tích, trước tiên, thiếu sót đến từ bên cho vay. Về nguyên tắc, các nhân viên ngân hàng/công ty tài chính phải nêu rõ điều khoản này cho khách hàng trước khi ký hợp đồng. Tuy nhiên, theo ông, bản thân người vay cũng phải có trách nhiệm tìm hiểu kỹ mọi điều khoản trên hợp đồng để bảo toàn lợi ích.
Các thuật ngữ tài chính nếu không được hiểu đúng có thể dẫn đến những khiếu nại, tranh luận đáng tiếc giữa người vay và bên cho vay. Vì vậy, người vay cần nắm vững các thuật ngữ và khái niệm được sử dụng khi đi vay.
Thực tế, khi vướng phải bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình thỏa thuận để được vay vốn, bao gồm cả thuật ngữ tài chính, khách hàng nên yêu cầu nhân viên tư vấn trực tiếp giảng giải để hiểu rõ những nội dung mình sẽ đặt bút ký.
Vay tiền tại các công ty tài chính thường có mức lãi suất rất cao, do đó, theo các chuyên gia, hãy luôn cố gắng kiềm chế bản thân trước các cuộc gọi mời chào vay tín chấp của những tư vấn viên. Nếu bạn rơi vào cảnh thực sự “bí” và không còn phương án nào nữa thì mới tìm đến họ.
Bên cạnh đó, bạn chỉ nên vay những khoản tiền nhỏ và dùng để tiêu dùng, mua sắm (thay vì để trả nợ và sử dụng cho các mục đích khác). Nếu dư nợ không cao, tầm dưới 20 triệu đồng, việc trả nợ sẽ nhẹ nhàng và không trở thành áp lực hàng tháng.
Tư vấn khoản vay
18/09/2020
15/09/2020
11/09/2020
09/09/2020