Vay tiền ngân hàng: Đừng chỉ nhìn lãi suất

Khi đi vay tiền ngân hàng, nhiều khách hàng cá nhân thường chỉ quan tâm xem mức lãi suất ngân hàng đưa ra mà ít để ý đến phương thức trả lãi như thế nào, điều kiện ràng buộc ra sao nên dễ rơi vào tình huống “bút sa gà chết”, chịu rủi ro về lãi suất sau khi đặt bút ký hợp đồng.

 

Khi đi vay tiền ngân hàng, không ít khách hàng cá nhân thường chỉ quan tâm xem mức lãi suất ngân hàng đưa ra mà ít để ý đến phương thức trả lãi như thế nào. Trong khi đó, phương thức trả lãi quyết định không nhỏ đến việc khoản vay đó đắt hay rẻ.

 

Hiện có hai phương thức tính lãi vay: tính trên dư nợ giảm dần hoặc tính lãi suất trên dư nợ ban đầu. Tùy theo mỗi cách tính mà số tiền người vay phải trả ngân hàng khác nhau.

 

Chẳng hạn, một khoản vay 100 triệu đồng, thời gian vay 3 năm, lãi suất vay 12%/năm tính trên dư nợ giảm dần, trong tháng vay đầu tiên khách hàng trả ngân hàng gốc và lãi khoảng 3,8 triệu đồng. Do số tiền gốc trả dần hằng tháng được trừ đi nên tháng cuối cùng số tiền gốc và lãi mà khách hàng phải trả cho NH chỉ khoảng 2,8 triệu đồng. Trong trường hợp lãi suất vay cố định 3 năm (thường lãi suất vay tính trên dư nợ giảm dần sẽ thay đổi 3 hoặc 6 tháng 1 lần), phần lãi mà khách hàng phải trả cho khoản vay 100 triệu đồng là 18,5 triệu đồng.

 

Cũng với số tiền vay 100 triệu đồng, thời gian vay 3 năm nhưng lãi suất cho vay là 8,5%/năm, phương thức tính lãi trên dư nợ ban đầu, mỗi tháng khách trả gốc và lãi ngân hàng khoảng 3,5 triệu đồng. Số tiền này trả đều hằng tháng nên tính ra trong 3 năm, số lãi mà khách hàng trả ngân hàng khoảng 25,5 triệu đồng.

 

2 phương thức tính lãi suất ngân hàng

Có 2 phương thức tính lãi suất hiện nay

 

Phương pháp tính lãi trên dư nợ giảm dần hay ban đầu đều có ưu điểm và khuyết điểm. Với cách tính trên dư nợ ban đầu, mức lãi suất sẽ được duy trì suốt thời gian vay, số tiền trả hằng tháng được cố định mà không cần phải tính toán lại từng tháng. Tuy nhiên, nếu khách chọn phương thức này, mức lãi suất vay phải thật sự thấp hơn nhiều so với dư nợ giảm dần được áp dụng tại cùng thời điểm; đồng thời không nên chọn thời gian vay quá dài. Thời gian vay càng dài đồng nghĩa với số tiền lãi mà khách hàng phải trả càng cao, tỷ lệ lãi trên vốn ở mức khó chấp nhận.

 

Trường hợp khách chọn vay theo phương pháp tính lãi trên dư nợ giảm dần, số tiền lãi phải trả NH dựa vào số tiền gốc thời điểm đó. Tuy nhiên, người vay gặp phải rủi ro là lãi suất  vay sẽ thay đổi vào những tháng sau đó, không thể dự trù được vì ngân hàng luôn áp lãi suất theo từng thời điểm thực tế...

 

Phí phạt trả nợ trước hạn 

Ngoài phương thức thanh toán lãi suất, khách hàng vay vốn cần chú ý đến điều khoản về phí phát trả nợ trước hạn. Một số ngân hàng quy định rõ ràng về cách tính phí phạt trả nợ trước hạn, tuy nhiên trong một số hợp đồng vay vốn, phí phạt này được đề cập và quy định một cách chung chung, không rõ ràng và cụ thể gây ảnh hưởng đến những quyết định sau này.

 

Nếu trả trước hạn, ngoài việc phải trả lãi suất phạt, một số ngân hàng còn thu hồi toàn bộ ưu đãi đã hưởng trước đó. Do mức  lãi suất cho vay thông thường với khách hàng cá nhân của ngân hàng này là 10,5-11%/năm, số tiền bị thu hồi sẽ không phải ít.

 

Thực tế với lãi suất huy động liên tục tăng, các NH buộc phải tìm cách “tự bảo vệ” mình, đẩy rủi ro lãi suất cho khách hàng. Nhiều ngân hàng đưa ra  lãi suất cho vay ban đầu rất thấp nhưng chỉ cố định trong vòng ba tháng đầu, sau đó lãi suất được áp theo mức  lãi suất huy động 12 hoặc 13 tháng cộng với biên độ do ngân hàng quy định, thay đổi mỗi ba tháng một lần. Bởi vậy, trong quá trình làm hồ sơ vay vốn, khách hàng nên thận trọng đọc kỹ các điều khoản này để tránh rủi ro về sau.

 

 

Theo tin tức tổng hợp

Tư vấn khoản vay